day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Xã Gia Thanh - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ

Địa chỉ: Khu 6 - Xã Gia Thanh - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ
Điện thoại: (0210)3.773.208
Email: giathanh.ubphuninh@phutho.gov.vn

Đặc điểm tình hình

Gia Thanh là xã trung du miền núi nằm ở phía Đông Bắc của huyện Phù Ninh, cách trung tâm huyện 5km. Có địa giới hành chính:
– Phía Bắc giáp xã Hạ Giáp.
– Phía Đông giáp xã Tiên Du.
– Phía Tây giáp với xã Bảo Thanh.
– Phía Nam giáp với xã Phú Nham.
– Xã có tổng diện tích tự nhiên 6,4 km2. Gồm có 8 khu dân cư. Dân số toàn xã 4.193 người (dân tộc thiểu số: 57 người). (theo số liệu tính đến 31/12/2023).

Lịch sử phát triển

Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh và địa giới hành chính của xã đã nhiều lần thay đổi. Dưới thời Hùng Vương dựng nước, Gia Thanh thuộc đất của bộ Văn Lang - Bộ trung tâm của nước Văn Lang.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, các xã nhỏ thành xã lớn. Xã Gia Thanh, Phú Nham, Tiên Du, tôn Nha Môn sáp nhập lại đặt tên là xã Đông Quan, gồm 3 thôn.
Năm 1954, sau khi hoà bình lập lại, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, xã Đông Quan được chia thành 3 xã là: xã Đông Quan, xã Phú Nham và xã Gia Thanh. Xã Gia Thanh có 4 thôn: thôn Đa, thôn Cả, thôn Mai, thôn Rền.
Đầu năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định hai huyện Phù Ninh và Lâm Thao hợp nhất thành huyện Phong Châu. Xã Gia Thanh thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 1/1/1997, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX, tỉnh Vĩnh Phú được chia làm 2 tỉnh: Vĩnh Phúc & Phú Thọ. Xã Gia Thanh thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Sau 22 năm hợp nhất, huyện Phù Ninh lại trở về tên gọi như xưa. Xã Gia Thanh thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Điều kiện tự nhiên

Xã Gia Thanh là vùng đất giữa, địa hình của xã không bằng phẳng, bao gồm các quả đồi nhấp nhô cao thấp, nối tiếp nhau như hình bát úp. Đất đai ở đây bạc màu, nhiều sỏi đá, độ dinh dưỡng thấp, chỉ thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: chè, sơn, lá cọ; cây nguyên liệu giấy như: bạch đàn, keo, tre, luồng; các loại cây ăn quả như: vải, nhãn, bưởi, xoài, chuối; cây lương thực như: sắn, khoai, lạc, đỗ, đặc biệt là cây hồng Gia Thanh từ lâu đã thành thương hiệu nổi tiếng, có đặc trưng riêng đó là: không có hạt, mùi vị thơm ngọt và có nhiều chất bổ dưỡng, là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, Đảng uỷ xã đã có Nghị quyết khôi phục và phát triển diện tích trồng hồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Hiện toàn xã đã có 170ha trồng hồng trong đó có 97 ha đã cho thu hoạch hiện đang tiếp tục triển khai trồng khoảng 50 ha nữa. Đây là một tiềm năng đầy triển vọng cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Địa bàn xã Gia Thanh dân cư còn thưa thớt, diện tích hầu hết là đồi rừng, nhiều nhất là cây cọ, tre, nứa.

Điều kiện - Thuận lợi

Hiện nay, xã đã có đường giao thông khá thuận lợi, tạo điều kiện cho việc kết nối với các vùng xung quanh, nhiều con đường được bê tông hoá giúp cho các phương tiện vận tải đi lại thuận lợi đến từng xóm và từng gia đình.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người Gia Thanh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động, anh dũng kiên cường trong đấu tranh, chống thiên tai và giặc ngoại xâm, giàu lòng nhân hậu và tình yêu thương con người, đã đắp xây nên những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Ngoài nghề nông là chính, nhân dân xã Gia Thanh còn có: nghề mộc, nghề rèn, nung vôi, làm mì, làm bún, làm đậu, buôn bán nhỏ và các hoạt động dịch vụ khác, đặc biệt là nghề làm nón, phát triển từ năm 1946, sau đó lan rộng ra các xã xung quanh. Nghề thủ công này rất phù hợp với điều kiện đặc điểm của địa phương, tận dụng được lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, một số mô hình kinh tế trang trại được mở rộng.
Đa số nhân dân xã Gia Thanh theo đạo Phật, 10% là đồng bào theo đạo Thiên Chúa.